Tìm kiếm tin tức

Phú Vang những ngày mùa thu lịch sử
Ngày cập nhật 14/08/2024

Quán triệt Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã khẩn trương xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Ngày 23/5/1945, Ban Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập hội nghị ở đầm Cầu Hai (Phú Lộc), chuẩn bị khởi nghĩa. Đây là hội nghị lịch sử đánh dấu bước chuyển biến rất quan trọng đối với phong trào cách mạng Thừa Thiên - Huế. Sau hội nghị, Tỉnh ủy quyết định cử thêm các đồng chí Lê Hải, Lê Bá Dị quê ở Phú Lộc tham gia phong trào cách mạng ở Phú Vang.

Những ngày lịch sử

Được sự tiếp sức của tỉnh, tổ chức Đảng ở Phú Vang khẩn trương triển khai Nghị quyết hội nghị Tỉnh ủy, tiến hành chuẩn bị về mọi mặt để khi thời cơ đến là tổ chức nhân dân vùng lên khởi nghĩa.

Mặt trận Việt Minh huyện được thành lập lấy bí danh là Việt Minh Thuận Tú. Tham gia Ban chấp hành có các đồng chí Đỗ Tram, Trương Luyện, Hoàng Viễn, Trần Thanh Chữ, Nguyễn Lượng (Cầu), Nguyễn Điệt,… do đồng chí Đỗ Tram làm Chủ tịch.

Mặt trận Việt Minh tích cực xây dựng cơ sở của mình như Đoàn Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc... Chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Minh Thuận Tú đã thu hút rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia. Đội tự vệ cứu quốc đầu tiên của huyện Phú Vang được thành lập tại Hà Trung (Vinh Hà) do đồng chí Dương Y phụ trách. Sau đó, các đội tự vệ khác cũng lần lượt ra đời, tích cực chuẩn bị vũ khí, luyện tập quân sự. Tự vệ Phú Vang lấy được nhiều đại đao, mã tấu, mác làng,... (chôn dấu dưới nhà thờ họ Đỗ ở Đức Thái từ thời Cần Vương) để trang bị.

Cuối tháng 7/1945, báo Cờ giải phóng và chương trình điều lệ Việt Minh đã lưu hành trong các tổ chức cứu quốc. Truyền đơn của Việt Minh được phân phát rộng rãi trong nhân dân. Sách báo của Đảng thời kỳ 1936 - 1939 do đồng chí Nguyễn Thản (Hà Trữ) chôn cất nay được đào lên cho thanh niên chuyền tay nhau đọc, đã có những tác động tích cực. Các đồng chí đảng viên đã đi vào phong trào hướng dẫn quần chúng đấu tranh. Đồng chí Nguyễn Điệt và đồng chí Nguyễn Lượng phụ trách ba tổng vùng trên của Phú Vang. Lãnh đạo ba tổng vùng dưới có các đồng chí Đỗ Tram, Trương Luyện, Hoàng Viễn, Trần Thanh Chữ,... Các đồng chí Đặng Do, Lê Bá Dị, Lê Hải do tỉnh phái về phụ trách chung.

Đầu tháng 8/1945, không khí chuẩn bị khởi nghĩa ngày một khẩn trương. Các địa phương quyên góp thóc, gạo, tiền vào ngân quỹ của Việt Minh để cung cấp cho các đội tự vệ huấn luyện, rèn vũ khí và mua vải may cờ. Trước khí thế cách mạng của quần chúng, bọn lý dịch, quan lại, cường hào không dám hống hách và chèn ép như trước. Hầu hết lý trưởng đều được Việt Minh đưa thư kêu gọi hoặc bị cảnh cáo, một số hoang mang, tan rã, một số hăng hái theo Việt Minh. Tri huyện Nguyễn Tài Đức được Việt Minh giải thích nên sau này không còn hành động chống đối nào. Sĩ quan binh lính trong quân đội Nhật cũng được Việt Minh vận động bỏ ngũ.

Trước khí thế của quần chúng, ngày 10/8/1945, Tỉnh ủy họp hội nghị mở rộng quyết định kế hoạch khởi nghĩa. Ban Chấp hành Việt Minh Phú Vang ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo khởi nghĩa do đồng chí Đặng Do làm trưởng ban, đồng chí Đỗ Tram làm phó ban. Phối hợp nhịp nhàng với Hương Thủy hoàn thành kế hoạch giành chính quyền ở huyện từ ngày 20 đến ngày 22/8/1945, sau đó kéo lên Huế hợp sức giành chính quyền ở tỉnh.

Việc chuẩn bị diễn ra rất khẩn trương và chu đáo. Tình thế cách mạng đã xuất hiện, thời cơ đã đến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng thông qua Mặt trận Việt Minh, nhân dân Phú Vang tập hợp thành một lực lượng đoàn kết thống nhất sẵn sàng đứng lên khi có mệnh lệnh.

Tại tổng Sư Lỗ, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng, một cuộc họp khẩn cấp được triệu tập tại thôn Hà Trữ do đồng chí Đỗ Tram chủ trì. Hội nghị chọn Thanh Lam Bồ làm điểm xuất phát của cuộc khởi nghĩa. Trước khi về Thanh Lam Bồ phải phát động quần chúng nhân dân, với mọi vũ khí trong tay, tuần hành thị uy khắp các xóm làng để uy hiếp địch, tránh đổ máu không cần thiết.

Thực hiện chủ trương của Việt Minh, mờ sáng ngày 20/8/1945, khắp các làng, những cuộc biểu tình thị uy của quần chúng diễn ra. Nhân dân với các loại vũ khí thô sơ như giáo, mác, gậy gộc, đại đao, mã tấu,... tràn ra đường.

Đến 9 giờ, những đoàn người đủ mọi thành phần già, trẻ, trai, gái từ khắp các hướng đổ về Thanh Lam Bồ, nét mặt hân hoan phấn khởi chờ đón lời hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh. Đồng chí Đỗ Tram, Lê Thanh Lịch lên diễn thuyết. Các đồng chí tuyên bố xóa chính quyền địch, thành lập chính quyền nhân dân toàn tổng Sư Lỗ giữa tiếng vỗ tay reo hò vang dội của quần chúng. Sau cuộc mít-tinh giành chính quyền ở Thanh Lam Bồ, nhân dân kéo qua Dưỡng Mong, Diêm Tụ, Trường Lưu, Mộc Đức, Đức Thái. Đoàn biểu tình hô vang các khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Đá đảo phát xít Nhật”, “Đá đảo bè lũ Việt gian bán nước”. Bọn lý trưởng không dám chống đối, ngược lại phải cúi đầu bàn giao toàn bộ sổ sách, giấy tờ và đồng triện (con dấu) cho đại diện chính quyền nhân dân.

Ở tổng Quảng Xuyên và Kế Mỹ, sáng ngày 20/8/1945, đoàn biểu tình xuất phát từ Trừng Hà tuần hành thị uy kéo về Triêm Ân, Hà Bắc, Nghĩa Lập ngược lên Mộc Trụ, Viễn Trình,... Đoàn Kế Mỹ xuất phát từ Hà Thanh kéo lên Xuân Thiên, Kế Võ theo hướng Cự Lại, An Dương, Hòa Duân. Đoàn biểu tình dừng lại ở các thôn để diễn thuyết, chấp nhận sự đầu hàng của địch ở địa phương.

Chiều ngày 20/8/1945, hai đoàn biểu tình Quảng Xuyên và Sư Lỗ tập hợp tại cánh đồng Diên Đại với cờ đỏ rợp trời, nhân dân đứng chật cả cánh đồng trong niềm hân hoan phấn khởi vô bờ. Bên kia phá Tam Giang, các làng Kế Sung, Cự Lại, chính quyền cũng đã về tay nhân dân.

Tại tổng Dương Nỗ, đồng chí Trần Văn Phổ tổ chức cuộc mít-tinh và tuyên truyền xung phong ở chợ Nọ, thuyết phục tri huyện Nguyễn Tài Đức giao chính quyền cho lực lượng khởi nghĩa. Các ngày 19, 20, 21/8/1945, thanh niên cứu quốc kéo về các làng trong tổng buộc lý trưởng nộp đồng triện và tuyên bố thành lập Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời, cử Chủ tịch ủy ban các làng.

Thi hành chủ trương của Ban chấp hành Việt Minh huyện, các đồng chí Nguyễn Lượng, Nguyễn Điệt đã phân công cán bộ cốt cán về phụ trách các tổng Mậu Tài và Ngọc Anh. Đồng chí Võ Quang Hồ, Nguyễn Hòe phụ trách tổng Ngọc Anh. Tổng Mậu Tài có đồng chí Nguyễn Bao, Nguyễn Xu.

Sáng ngày 20/8/1945, với lực lượng tự vệ vũ trang làm nòng cốt, các đoàn biểu tình quần chúng giương cao cờ đỏ sao vàng, kéo qua các thôn biểu dương lực lượng. Các ban hương, lý hoảng sợ mang đồng triện, sổ bộ đến nộp, xin theo Việt Minh.

Sau khi giành chính quyền ở các làng, các tổng, ngày 22/8/1945, hơn 5.000 người đại diện cho toàn thể nhân dân Phú Vang, bằng các loại gậy gộc, giáo, mác, hàng ngũ chỉnh tề kéo về sân vận động làng Dương Nỗ tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền huyện.

Đồng chí Nguyễn Điệt thay mặt Ủy ban khởi nghĩa Phú Vang tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng, kêu gọi nhân dân đứng lên xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng, xây dựng cuộc sống mới độc lập, tự do. Tri huyện Nguyễn Tài Đức và nha lại trao con dấu, tài liệu, tài sản cho chính quyền cách mạng. Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời ra mắt nhân dân trong huyện.

Cờ đỏ sao vàng được kéo lên giữa cột cờ sân vận động Dương Nỗ và hàng ngàn lá cờ đỏ sao vàng trong tay nhân dân vẫy chào cách mạng, cùng với tiếng hò reo phấn khởi từ nay hết kiếp đời nô lệ, được làm chủ nhân nước Việt Nam tự do, độc lập.

Ngày 23/8, với khí thế tưng bừng, hàng vạn nhân dân trong huyện cùng nhân dân toàn tỉnh kéo về tham gia cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến tại sân vận động Huế, góp phần tích cực vào thắng lợi chung của toàn tỉnh.

Khí thế hào hùng vang vọng

Cũng như nhân dân toàn tỉnh, nhân dân Phú Vang đã sống trong những ngày hội lịch sử náo nức, tưng bừng:

“Tháng Tám vùng lên Huế của ta,

Quảng, Phong ơi, Hương Thủy, Hương Trà

Phú Vang, Phú Lộc đò lên Huế

Đỏ ngập dòng sông rộn tiến ca”.

Chỉ trong vòng 4 ngày, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Phú Vang đã vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trên toàn huyện, huy động lực lượng tham gia khởi nghĩa ở Huế, hoàn thành khởi nghĩa giành chính quyền toàn tỉnh. Với thành công của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Phú Vang được đổi đời từ địa vị nô lệ trở thành người làm chủ xã hội. Cách mạng Tháng Tám chứng minh truyền thống yêu nước, đấu tranh bất khuất của nhân dân Phú Vang dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Cách mạng Tháng Tám ở Phú Vang để lại nhiều bài học quý giá. Trước hết là sự lãnh đạo của Đảng, yếu tố cực kỳ quan trọng. Tổ chức Đảng ở Phú Vang bao gồm những đồng chí tiên phong gương mẫu, kiên cường, đã được rèn luyện, thử thách trong đấu tranh cách mạng, quyết tâm, nỗ lực triển khai tốt chỉ thị, nghị quyết của tổ chức đảng cấp trên một cách chủ động, sáng tạo trong hoàn cảnh địch thống trị, kiểm soát chặt chẽ. Đảng bộ đoàn kết, nhất trí, trên dưới một lòng, chung sức lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Đó là bí quyết thắng lợi của một tổ chức đảng tuy còn non trẻ, số lượng chưa nhiều nhưng biết nắm lấy sức mạnh quần chúng tạo thời cơ, cùng với việc tận dụng các điều kiện khách quan và phong trào trong tỉnh, trong nước để lãnh đạo nhân dân ở một huyện có địa hình chia cắt, thực hiện đúng chỉ thị, mệnh lệnh khởi nghĩa của cấp trên. Mặt khác, là bài học về công tác vận động quần chúng. Chỉ trong một thời gian ngắn, tình hình hết sức khẩn trương, Đảng bộ Phú Vang đã hình thành Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc, huy động được một lực lượng quần chúng hùng hậu. Đó là kết quả của sự chuẩn bị chu đáo, khẩn trương về mọi mặt. Đó là kết quả của việc tuyên truyền, giáo dục, tập dượt quần chúng. Khi mục đích của cuộc cách mạng phù hợp với lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân thì tất yếu sẽ được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Đối với Đảng bộ và nhân dân Phú Vang, cách mạng Tháng Tám là một cuộc đổi đời của các thế hệ nhân dân, tạo ra bước ngoặc mới để xây dựng, phát triển Phú Vang trở thành một vùng quê giàu đẹp, vững mạnh trên mảnh đất vốn nghèo nàn mà xưa kia khi khai phá, tạo dựng, tiền nhân đã đặt tên, đặt niềm hy vọng: Phú Vang!

N. Ánh
Tin mới
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập trong tuần 4.074
Truy cập trong tháng 20.919
Truy cập trong năm 493.343
Truy cập tổng 865.076
Truy cập hiện tại 291