Tìm kiếm tin tức

Tác phẩm “Dân vận” với việc xây dựng Nhà nước dân chủ trong giai đoạn hiện nay
Ngày cập nhật 17/10/2024

Cách đây 75 năm, ngày 15/10/1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” - một tác phẩm tuy ngắn gọn, nhưng chứa đựng quan điểm mang tầm chiến lược về vai trò của nhân dân, về Nhà nước dân chủ.

 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bà con nông dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh tư liệu)
 
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC DÂN CHỦ TRONG TÁC PHẨM “DÂN VẬN”
 
Ngay phần mở đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày một quan niệm tổng quát về Dân chủ, về bản chất của Nhà nước dân chủ của dân, do dân, vì dân.
 
“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
 
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
 
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
 
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
 
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
 
Ðoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
 
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(1).
 
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân luôn chiếm vị trí trung tâm. Kế thừa và phát triển tư tưởng “dân vi bang bản”, Hồ Chí Minh khẳng định: Dân là “gốc của nước”. Theo đó, Nhà nước “Không phải là thuộc riêng của giai cấp nào mà là của chung của toàn thể dân tộc, chỉ trừ có bọn tay sai của đế quốc Pháp - Nhật và những bọn phản quốc, bọn thù”(2). Với ý nghĩa đó, nhân dân thực sự là nền tảng cơ sở xã hội - giai cấp của Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam.
 
Nước ta là nước dân chủ, cho nên “địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”, “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”, “quyền hành”, “trách nhiệm, lực lượng”“của dân”, “đều ở nơi dân”. Bởi vậy, mô hình mà Hồ Chí Minh lựa chọn là mô hình Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - mô hình quá độ của đất nước vừa giành độc lập, đi theo con đường chủ nghĩa xã hội (CNXH). Đó là Nhà nước dựa trên nền tảng dân chủ, thực thi dân chủ, mở rộng dân chủ, với nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc nhân dân. Nhân dân đứng ở vị trí trung tâm và bao hàm hai yếu tố: “dân là chủ” “dân làm chủ”. Cơ quan Nhà nước là công cụ để thực hiện quyền lực nhân dân, cán bộ, công chức nhà nước chỉ là người được ủy quyền, được nhân dân trao quyền để gánh vác, giải quyết những công việc chung của đất nước.
 
Ngay sau khi giành được độc lập, để lập nên Nhà nước của tất cả các tầng lớp nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẩn trương chỉ đạo tổ chức Tổng tuyển cử trong cả nước theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu - sau này trong tác phẩm Thường thức chính trị, Người khẳng định “Đó là một cách rất hợp lý, để nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình”(3).
 
Người cũng nhấn mạnh: “Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ... Nếu Chính phủ làm hại đến dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(4). Dân là chủ thì Nhà nước và cán bộ, công chức phải xác định rõ nhiệm vụ của mình là phục vụ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân... Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(5).
 
Định hướng xuyên suốt việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước vì dân là phải luôn đặt lợi ích nhân dân lên hàng đầu. Từ luận điểm: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(6), Hồ Chí Minh yêu cầu: “Chúng ta phải làm sao thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân được học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là ở đó, đi đến để dân ta xứng đáng với tự do, độc lập và giúp tự do độc lập”(7). Đó là những triết lý, nguyên tắc chỉ đạo trong suốt quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam.
 
Khi khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân đối với Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở: “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(8). Người chỉ rõ, Nhà nước phải lập ra các thiết chế đảm bảo quyền làm chủ của người dân trên thực tế; đồng thời, nhân dân có quyền và nghĩa vụ phê bình, xây dựng, giúp đỡ Nhà nước. “Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là: người đày tớ trung thành tận tụy của nhân dân”(9). Giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình là vai trò, trách nhiệm làm chủ của nhân dân; là phương thức trực tiếp và tốt nhất nhằm làm cho hoạt động của chính quyền nhân dân ngày một hiệu quả hơn nhưng phải theo đúng kỷ luật và làm đúng chính sách của Chính phủ để Chính phủ làm trọn phận sự mà nhân dân giao phó. Ý thức, năng lực và trách nhiệm “làm chủ” chính là “thước đo” sự giác ngộ chính trị của công dân cũng như trình độ dân chủ của xã hội.
 
Về quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân, Hồ Chí Minh xác định: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường”(10). Nhà nước thực hiện vai trò người cầm lái, người tổ chức để nhân dân bằng trí tuệ và sức mạnh vốn có giải quyết các vấn đề và phục vụ lợi ích của chính mình. Trong tác phẩm Dân vận, Người đã chỉ rõ “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân; Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân”. Do vậy, với vai trò điều hành, quản lý, tổ chức, Nhà nước phải tìm ra cơ chế thích hợp, tạo ra điều kiện thuận lợi để phát huy quyền làm chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm và nguồn lực trong nhân dân để thực hiện thành công sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Đó là một giải pháp nhằm nâng cao tính năng động của Nhà nước dân chủ, làm cho Nhà nước phải luôn chú ý tới sự vận động của thực tiễn, mặt khác, thông qua quá trình tìm tòi đó và cùng với sự tham gia của nhân dân, Nhà nước tự hoàn thiện mình. Vì thế, Nhà nước gia tăng được sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và ngày càng được củng cố để hoàn thành tốt hơn chức năng phục vụ nhân dân của mình.
 
Những quan điểm nêu trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể chế hóa trong các bản Hiến pháp do Người làm Trưởng ban soạn thảo. Hiến pháp năm 1946 xác định: Nước Việt Nam là một nước Dân chủ Cộng hoà; Tất cả quyền bính trong nước là của của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo. Hiến pháp năm 1959 có các chế định cụ thể như: Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Trên tinh thần đó, từ Hiến pháp năm 1959 đã thể hiện rõ hơn cơ chế tập trung quyền lực vào Quốc hội với nguyên tắc hoạt động “tập trung dân chủ” của các cơ quan nhà nước; thể chế hoá mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân: “Tất cả các nhân viên cơ quan nhà nước đều phải trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, tuân theo Hiến pháp và pháp luật, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”.
 
Trong thực tiễn xây dựng chế độ mới, bằng cách tổ chức cho nhân dân tham gia xây dựng Nhà nước dân chủ, Hồ Chí Minh đã khơi dậy và nâng cao động lực tinh thần làm chủ đất nước của mọi người dân. Nhà nước dân chủ mới ngay sau khi được thiết lập đã phát động toàn dân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Qua phong trào thực tiễn do nhân dân thực hiện trên các lĩnh vực đã khẳng định vị trí là chủ, làm chủ của mỗi người dân trong một quốc gia độc lập, đã tạo ra sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn đưa cách mạng Việt Nam vượt qua mọi hiểm nghèo để tiến lên.
 
 
VẬN DỤNG XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC DÂN CHỦ XHCN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
 
Quán triệt và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn nhất quán chủ trương: dân chủ vừa là bản chất của thể chế nhà nước, vừa là cách thức tổ chức thực hành dân chủ; vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển. Việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước dân chủ đã có những bước tiến quan trọng. Quốc hội có nhiều đổi mới trong hoạt động lập pháp, công tác bầu cử được cải tiến, tăng cường hơn về chất lượng và số lượng đại biểu chuyên trách; sự tham gia của nhân dân vào việc góp ý các dự án luật được thực hiện bài bản hơn... Chính phủ, các cơ quan Chính phủ được tổ chức, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và ngày càng minh bạch hơn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân. Các cơ quan tư pháp từng bước chuyển theo yêu cầu thượng tôn pháp luật, kiện toàn tổ chức, bộ máy, khắc phục hạn chế, thiếu sót trong hoạt động tố tụng, xét xử. Quyền con người, quyền công dân tiếp tục được cụ thể hóa bằng hệ thống luật pháp và bảo đảm thực thi trên thực tế. Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện của người dân được quan tâm và bảo đảm. Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các tổ chức chính trị - xã hội từng bước đổi mới, coi trọng vai trò phản biện xã hội, đại diện lợi ích của các hội viên, đoàn viên...
 
Tuy nhiên, bộ máy nhà nước hiện nay vẫn còn khá cồng kềnh, nhiều tầng nấc, phân công, phân quyền chưa đủ mạnh dẫn đến tình trạng thẩm quyền vừa bị phân mảnh, vừa có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Cơ chế “xin - cho” vẫn nặng nề. Vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có lúc, có nơi chưa được phát huy đầy đủ. Hệ thống pháp luật còn nhiều thiếu sót, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm minh dẫn đến việc chưa phát huy cao nhất sức mạnh của pháp luật với tư cách là công cụ để nhân dân kiểm soát quyền lực và thực hiện quyền làm chủ của người dân, tham gia vào các hoạt động của bộ máy nhà nước. Việc giám sát, phản biện của nhân dân và các tổ chức, trách nhiệm giải trình của các cơ quan trong bộ máy nhà nước trong một số lĩnh vực còn mang tính hình thức, kém hiệu quả. Đặc biệt, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo dẫn đến sự méo mó, biến dạng một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xâm phạm đến lợi ích chung...
 
 
Hội thảo khoa học 75 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn đối với công tác dân vận hiện nay.
 
Trong bối cảnh đó, theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để đáp ứng yêu cầu của xây dựng Nhà nước thật sự dân chủ trong giai đoạn hiện nay, cần chú ý đến những vấn đề sau:
 
Thứ nhất, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước dân chủ và pháp quyền, trong đó cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Đặc biệt, chú trọng hoàn thiện cơ chế của Đảng trong việc kiểm soát quyền lực Nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các hiện tượng vi phạm dân chủ. Bảo đảm các tổ chức của Đảng và đảng viên gương mẫu, đi đầu trong thực hành dân chủ và tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, “mỗi đảng viên ở địa vị càng cao thì càng phải giữ đúng kỷ luật của đảng, càng phải làm gương dân chủ”(11); định hướng mọi chính sách và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
 
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, bồi đắp và thực hành năng lực làm chủ của nhân dân. Phát huy dân chủ phải gắn liền với nâng cao dân trí, bảo đảm dân quyền. Trong 5 bài học đúc rút từ 35 năm đổi mới, Đảng ta nêu bài học thứ hai là: trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Trong thời kỳ phát triển mới, bài học đó cần trở thành phương châm hành động, để nhân dân thật sự là chủ, có đầy đủ năng lực, quyền lợi và trách nhiệm của người làm chủ, để cùng “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(12). Đại hội XIII của Đảng đã nêu nhiệm vụ quan trọng là “cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”(13) với các vấn đề trọng tâm: an ninh xã hội, an ninh con người, xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, chính sách việc làm, thu nhập; phát huy dân chủ và nâng cao dân trí...
 
Thứ ba, tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và phương thức hoạt động bộ máy Nhà nước theo hướng dân chủ và pháp quyền. Đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, bảo đảm nguyên tắc pháp quyền trong thực hiện chức năng của Quốc hội; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, cơ chế giám sát, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do cơ quan dân cử bầu hoặc phê chuẩn. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch; tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Đổi mới thể chế và thủ tục hành chính tập trung trước hết vào xoá bỏ những quy định mang nặng tính hành chính quan liêu, gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp và nhân dân, kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, trong đó, “xây dựng các thiết chế tư pháp hiện đại, trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, nghiêm minh, tăng cường tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, ổn định”(14).
 
Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vừa “hồng” vừa “chuyên”, đây là “công việc gốc”; “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước”(15); “có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”(16). Đảng và Nhà nước cần chú trọng tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với cải cách tiền lương, chế độ, chính sách, đãi ngộ, tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển. Thực hiện phương thức dân chủ trong lãnh đạo quản lý điều hành, khắc phục lối làm việc mệnh lệnh hành chính đơn thuần. Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình và có cơ chế cụ thể quy định trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp trước nhân dân. Cùng với việc nâng cao chất lượng cán bộ, công chức phải kết hợp với việc định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức kịp thời thay thế những cán bộ, công chức yếu kém, thanh lọc những kẻ tham nhũng, vô trách nhiệm. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực thông qua hoàn thiện hệ thống pháp luật và đảm bảo tính nghiêm minh, thượng tôn pháp luật trong mọi hoạt động của bộ máy Nhà nước.
 
Thứ năm, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc xây dựng nền dân chủ XHCN. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phải lắng nghe đầy đủ, thấu đáo tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân, từ đó xem xét, xử lý, tháo gỡ những vướng mắc mà nhân dân kiến nghị, tạo điều kiện để nhân dân thực hành quyền dân chủ trên cơ sở, khuôn khổ pháp luật, pháp chế và bảo đảm kỷ cương xã hội. Với tư cách là những thiết chế để các tầng lớp nhân dân tham gia công việc của Nhà nước, quản lý, giám sát hoạt động của Nhà nước, MTTQ và các tổ chức cần tiếp tục đổi mới trên nhiều mặt theo hướng khắc phục tình trạng “hành chính hóa”, “nhà nước hóa” trong tổ chức và hoạt động.
 
Thứ sáu, tăng cường các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tạo dựng thói quen thảo luận, bày tỏ quan điểm, chính kiến của nhân dân về các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong thực tế, để Luật Thực hiện dân chủ cơ sở được thực hiện nghiêm minh, trước hết, cần bảo đảm cơ chế công khai, minh bạch, mở rộng cơ hội tiếp cận thông tin cho các chủ thể giám sát và phản biện xã hội. Đồng thời, thiết lập cơ chế phối hợp giữa hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cơ quan báo chí và nhân dân với hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, xét xử… của các cơ quan nhà nước. Từ cơ chế phối hợp đó, Đảng và Nhà nước hiểu rõ hơn tình hình thực tiễn để có những quyết sách đúng đắn, phù hợp nhất và tạo sự đồng thuận xã hội. Mặt khác, hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, xét xử… của Nhà nước mang tính quyền lực công với những chế tài xử lý nghiêm minh sẽ góp phần bảo đảm những kết quả giám sát và phản biện xã hội phát huy được giá trị trong thực tiễn.
 
Dân chủ là bản chất, là thước đo trình độ phát triển của tổ chức Nhà nước và của toàn xã hội. Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, chúng ta sẽ từng bước thực hiện được mục tiêu đề ra góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước dân chủ XHCN của dân, do dân, vì dân./.
 
TS. LÊ THỊ HẰNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
 
Theo tuyengiao.vn (VQ)
Tin mới
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập trong tuần 2.938
Truy cập trong tháng 19.798
Truy cập trong năm 565.624
Truy cập tổng 937.357
Truy cập hiện tại 11