Về làng Tây Hồ học làm nón bài thơ
Ngày cập nhật 29/12/2021

    Nghề làm nón ở làng Tây Hồ có từ lâu lắm rồi, dễ đến hàng trăm năm nay nhưng phải đến khi chiếc nón bài thơ ra đời ở đây thì nó mới được đến thăm nhiều, đến chơi nhiều. Làng này cũng nhiều gái xinh nhất vùng, xinh nổi tiếng, không biết đã có bao nhiêu chàng trai đến đây rồi mê tít, đắm đuối nét xinh xắn ấy.

 

    Làng Tây Hồ nằm bên dòng sông Như Ý, thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Người dân làng này sống chủ yếu bằng nghề làm nón. Chiếc nón bài thơ ra đời ở đây vào khoảng năm 1959 – 1960, đó là sáng kiến của nghệ nhân Bùi Quang Bặc. Ông yêu thơ, cũng sẵn mang trong mình chất “nghệ” nên mới nghĩ ra cái thú ép thơ vào nón. Những vần thơ ngọt ngào, bay bổng được ép giữa 2 lớp lá thế nên bền lắm; nón hỏng rồi, chẳng đội được nữa, người Huế vẫn giữ để thi thoảng mang ra … đọc thơ.

Làng Tây Hồ nằm bên dòng sông Như Ý

     Đầu tiên, chiếc nón nào cũng chỉ có 2 câu thơ: “Ai ra xứ Huế mộng mơ/Mua về chiếc nón bài thơ làm quà”, vì khi ấy, người làng Tây Hồ chủ yếu bán nón cho người trong Nam. Còn bây giờ, nón bài thơ được bán ở khắp nơi trên dải dất hình chữ S, có khi còn được mang ra tận nước ngoài, vì thế mà có nhiều câu thơ khác nữa được ép lên nón.

     Con gái làng Tây Hồ từ bao đời nay, đi học, đi làm xa thì thôi, chứ ở nhà là cứ chừng 10 tuổi là phải học chằm nón, đã có nhiều người làng này cả đời làm nghề chằm nón, làm đến hơi thở cuối cùng. Công việc làm nón chủ yếu là của phụ nữ, đàn ông chỉ là phụ, phụ ủi lá, chẻ tre để làm vành nón.

     Muốn nón đẹp, phải cẩn trọng từ khâu chọn lá, lá nón cứ còn giữ được chút xanh nhẹ là được, sau đó đem đi ủi, ủi càng nhiều, lá càng phẳng, láng.

Muốn nón đẹp, phải cẩn trọng từ khâu chọn lá

     Khó nhất trong khâu làm nón có lẽ là xây và lợp lá, làm thì ai cũng làm được nhưng làm để nón thanh, mỏng mà không bị dột thì phải là những người thợ cực kỳ khéo tay; lớp lá nào ra lớp ấy, không được chồng lên nhau. Công đoạn này và công đoạn chằm (khâu) đa phần dành cho nghệ nhân có nghề làm để đường chằm được mềm mại, thanh nhẹ, dịu dàng. Làng Tây Hồ chỉ chọn lá dừa, lá gồi để làm nón.

     Ở Huế có nhiều nơi làm nón nhưng dân buôn nón chỉ thích về đây lấy hàng. Nón làng này duyên hơn hẳn, bán dễ. Nói là duyên thôi thì chưa đủ, phải kể đến cả những vần thơ thấm đượm tâm hồn, tình yêu, cốt cách của con người Cố Đô và hiếm có chiếc nón của làng nào lại thanh mảnh, nhã nhặn như nón làng này.

     Mục đích ban đầu làm chiếc nón bài thơ là để mang tặng cho người thân, khách quý. Sau dần nhiều người thích nó quá, cứ nhờ làm, rồi đặt làm cả đến trăm cái, lúc ấy làng Tây Hồ mới làm hàng loạt để bán.

Mục đích ban đầu làm chiếc nón bài thơ là để mang tặng cho người thân, khách quý

     Xưa thì chỉ có 1, 2 câu thơ giờ thì cả tranh, ảnh được ép, được thêu trên nón nữa, chủ yếu là tranh, ảnh về Huế. Đến một vài địa danh khác của Huế bây giờ cũng có thể thấy người dân tấp nập làm nón bài thơ, chẳng cần hỏi cũng biết làng này có dâu Tây Hồ. Các cô gái Tây Hồ đi lấy chồng nơi khác, đa phần mang theo nghề làm nón, làm nón bài thơ; một phần vì yêu nghề, một phần vì nghề này bây giờ cũng cho thu nhập khá.

     Làng Tây Hồ làm nón quanh năm, mùa mưa, mùa nắng, mùa hè, mùa đông. Lúc nào cũng tấp nập người mua, kẻ bán, người thì đến thăm thú chơi thôi. Ai đến, người làng Tây Hồ đều niềm nở đón tiếp, mời nước, có khi cả mời cơm. Người Tây Hồ đội nón không đơn thuần là che mưa che nắng, họ đội nón là để làm duyên, làm thơ, cô gái nào nhát nhát thì đội cho đỡ thẹn. Đã là con gái Tây Hồ, trong nhà phải có chiếc nón. Bây giờ nhiều người đi làm xa, có điều kiện đã mua ô tô nhưng về làng kiểu gì cũng phải mang theo chiếc nón, không đội thì để trong nhà cho đỡ nhớ quê hương.

Làng Tây Hồ làm nón quanh năm

     Nón bài thơ mỏng mảnh bao nhiều thì nón lá kè lại dày dặn bấy nhiêu. Nón này, giờ người Tây Hồ không làm nhiều, chủ yếu là làm cho nhà đội chứ khách đến không mấy người mua, nhìn nó không giống kiểu quà cáp, người Tây Hồ bảo đội cái này mới mát và bền.

     Du khách nào khái tính thì cứ đến làng Tây Hồ mua nón là xong, có khi vào thẳng chợ Đông Ba, chẳng cần về đây cũng có nón bài thơ về làm quà nhưng người cẩn thận thì phải đến tận làng để đặt ép những dòng thơ yêu thích, chọn đúng loại quai hợp với khuôn mặt của mình. Thế nên, đến Huế là phải về đây ngay mới quay lại thăm thú chỗ này, chỗ kia, khi về qua đây lấy nón mang về là vừa đúng thời gian, không phải chờ đợi gì cả.

     Về làng Tây Hồ chỉ xem làm nón rồi đi, chẳng có danh lam thắng cảnh hay chỗ vui chơi nào khác nhưng cứ loanh quanh ở đây, xem làm nón, dăm ba câu chuyện câu trò cũng níu chân du khách đến cả buổi, cả ngày. Có lẽ vì người Huế chân tình, hay chuyện, chuyện thật nên ai đến cũng mến như vậy, cũng lưu luyến như vậy.

 

 

Nguồn: M.H
Tin mới
Xem tin theo ngày