Rừng ngập mặn ven biển hướng đi phù hợp trong phát triển du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường
Ngày cập nhật 17/07/2023

Ngoài ý nghĩa góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái,… rừng ngập mặn còn mang lại những nguồn lợi kinh tế to lớn, tạo cơ hội nâng cao thu nhập cho cộng đồng người dân tại địa phương; vì vậy trong những năm qua, xã Phú Diên nói riêng và huyện Phú Vang nói chung đã và đang chú trọng đến hướng đi này.

 
Rừng ngập mặn của xã Phú Diên tại Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Doi Chỏi được Dự án SPRCC và Dự án FMCR hỗ trợ có diện tích hơn 45 ha cây bần chua, trong đó có 30 ha của Dự án SPRCC trồng vào năm 2018, sau 06 năm trồng đến nay cây đã phát triển xanh tốt với tỷ lệ sống trên 95%. Môi trường nước ở đây xanh trong, in rõ dáng hình của những bộ rễ cây cắm sâu vào lòng đất, giữ được những nét đẹp hoang sơ, thơ mộng được bao bọc bởi những cây bần chua ngập trong nước, đây cũng là nơi trú ngụ của các loại nhuyễn thể sinh sống và còn là bức tường che chắn sóng, bão, lũ cho đê, ngăn nước biển dâng, triều cường, xâm nhập mặn,… Những điều kiện trên rất thuận lợi để Phú Diên phát triển tuyến du lịch sinh thái rừng ngập mặn kết hợp với du lịch biển Tháp Chăm, được người dân trong và ngoài địa phương hào hứng. Ông Lê Đức Liêm - người dân thôn Kế Sung, xã Phú Diên, Phú Vang phấn khởi cho biết: “Chúng tôi rất vui và phấn khởi khi trên địa bàn xã Phú Diên có rừng ngập mặn này, đây không chỉ là ước mong của cá nhân tôi mà hình như đây là mong muốn của tất cả bà con dân làng Kế Sung và xã Phú Diên, từ khi mới manh nha chúng tôi đã theo dõi từng ngày, cho đến khi lớn lên và hình thành khu rừng ngập mặn này thì chúng tôi càng vui và phấn khởi và là mong ước của mọi người, chúng tôi thiết nghĩ khu rừng này sẽ trở thành khu du lịch trong tương lai, nhưng trước mắt khu rừng này sẽ là nơi trú ngụ của các loài thủy sản cũng như phục hồi lại các loại thủy sản trước đây gần như mất đi”.
 
 
Cùng với việc phát triển rừng ngập mặn trên địa bàn thì một trong những việc quan trọng là việc bảo tồn cũng sẽ được tính đến, đó là triển khai toàn diện công tác chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn, thành lập Ban quản lý bảo vệ rừng, tích cực tuyên truyền, vận động, quản lý, tổ chức điều hành công tác bảo vệ rừng, kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm xâm hại tới rừng ngập mặn, bên cạnh đó tăng cường công tác vận động người dân đánh bắt theo hướng bền vững;… Qua đó nhằm bảo tồn được môi trường sinh thái tự nhiên. Ông Nguyễn Văn Dũng - Chi hội trưởng Chi Hội nghề cá Phú Diên cho biết thêm: “Chúng tôi có 7 thành viên trong đội tuần tra, tuyên truyền, thường xuyên mỗi tháng chúng tôi phối hợp với Công an xã, Ban lãnh đạo của thôn ra quân tuần tra, nhằm ngăn chặn các hành vi tham gia đánh bắt thủy sản hủy diệt bằng các nghề cấm đánh bắt. Chúng tôi cám ơn cấp trên trong thời gian qua đã thả các loại giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ngoài ra chúng tôi cũng đã trích ra 12 triệu đồng để mua giống thả nhằm tái tạo và giúp cho nguồn lợi thủy sản ngày càng phong phú để bà con tham gia đánh bắt lâu dài, nâng cao đời sống”.
 
 
Để phục vụ cho các chiến lược phát triển du lịch của mình, Phú Vang cũng đã xác định thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hoàn thiện hệ thống giao thông, cùng với đó đang có định hướng kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm làm du lịch chuyên nghiệp về xây dựng tua, tuyến. Lợi ích từ rừng ngập mặn đem lại đã thấy rõ, song để khai thác kinh tế từ nguồn lợi này theo hướng bền vững cũng đang là điều mà Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Phú Vang nói chung, xã Phú Diên nói riêng đang tính đến. Đặc biệt, việc kết hợp phát triển du lịch với bảo tồn tài nguyên luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đồng chí Hoàng Văn Vy - Chủ tịch UBND xã Phú Diên cho biết: “Chúng tôi thiết nghĩ rừng ngập mặn này bước đầu đã phát huy hiệu quả, trước mắt sẽ phục hồi hệ sinh thái vùng đầm phá, thứ hai nữa là bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở khu vực này, thứ ba là chống sạt lở và nhiễm mặn ở khu vực ven phá Tam Giang. Trong thời gian qua, chúng tôi đã tăng cường công tác chỉ đạo tuyên truyền, vận động bà con cùng chung tay, chung sức để bảo vệ rừng ngập mặn ở địa phương, và khi rừng ngập mặn này phát triển, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ thì chúng tôi sẽ hướng đến du lịch sinh thái ở khu vực này và chúng tôi sẽ tạo ra tour, tuyến về với Phú Diên để tham quan Tháp Chăm, tắm biển và khám phá những nét đẹp tiềm ẩn của khu rừng ngập mặn Doi Chỏi”.
 
 
Hy vọng trong tương lai không xa, với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, Chính quyền và người dân trên địa bàn huyện Phú Vang, chắc chắn du lịch sinh thái rừng ngập mặn sẽ là tiền đề để phát triển du lịch bền vững, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của một huyện đồng bằng ven biển, trở thành điểm đến hấp dẫn của mỗi du khách.
 
Minh Đức – Thanh Hiền
Tin mới
Xem tin theo ngày