Đoàn văn nghệ sĩ đã đi thăm một số di tích lịch sử, văn hóa của Phú Vang. Đó là tháp Mỹ Khánh ở xã Phú Diên. Tháp được phát lộ một cách tình cờ vào tháng 4/2001 bởi một đơn vị khai thác quặng. Tháp cổ độc đáo này khi ấy nằm vùi sâu trong lòng cát 5-7m, thấp hơn mực nước biển 3-4m và chỉ cách mép nước biển 120m. Trải qua 12 thế kỷ, tháp bị vùi lấp trong cát. Mang nhiều giá trị lịch sử văn hóa, tháp Phú Diên đã được công nhận là Di tích Quốc gia ngay sau khi phát lộ. Hiện tại, công trình được bảo tồn tại chỗ trong một kiến trúc nhà kính nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của môi trường thiên nhiên.
Tháp Phú Diên- một trong những địa điểm các nghệ sĩ đến tham quan
Đó là đình làng An Truyền - một kiến trúc cổ nổi tiếng trên 600 năm tuổi. Ngôi đình nằm trên một thửa đất bằng phẳng, thoáng mát tại trung tâm làng, phía trước đình có ao sen thơm ngát và đầm Chuồn lộng gió. Trong đình An Truyền, gian giữa treo bức đại tự “Mỹ tục khả gia” chạm đầu rồng, cánh phượng, sơn son thếp vàng. Nhà nội điện là nơi thờ tự chính của đình An Truyền, được bố trí 7 bàn thờ sát tường hậu, thờ 7 vị thủy tổ của 7 dòng họ ở làng An Truyền. Đó là làng Hà Trung thuộc xã Vinh Thanh tiêu biểu cho kiểu làng ven biển Trung Bộ. Làng Hà Thanh mang đầy đủ sinh hoạt tín ngưỡng của làng nông nghiệp truyền thống, thờ cúng Thành hoàng, cúng đất, thờ ông Ngư, ông Táo, cúng Hà bá, cúng Mẫu… trong phạm vi cộng đồng làng và gia đình.
Đó là di tích Cồn Rang ở làng Diêm Tụ vừa được công nhận di tích cấp tỉnh năm 2021. Cùng với di tích Chiến thắng Thanh Lam Bồ, địa điểm chiến thắng Cồn Rang in đậm chiến công chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cán bộ và dân quân du kích xã Phú Gia, huyện Phú Vang. Đó là tinh thần chiến đấu anh dũng ngoan cường, không sợ hy sinh mất mát của các chiến sĩ du kích; là sự đùm bọc nuôi nấng, giúp đỡ của Nhân dân địa phương. Cồn Rang đi vào lịch sử như một cột mốc đáng nhớ, là niềm tự hào, nguồn động viên, cổ vũ cho Đảng bộ và Nhân dân huyện Phú Vang đẩy mạnh kháng chiến, tiến lên giành thắng lợi mới…
Đoàn cũng đi thăm những điển hình nông thôn mới, mô hình phát triển kinh tế, những trầm tích văn hóa, nỗ lực phát triển cuộc sống mới ở Phú Vang... để lấy cảm hứng sáng tạo.
“Phú Vang ngày mới” là cảm hứng của nhiều trang viết, ca khúc, và ảnh nghệ thuật. Nhà thơ Nguyễn Văn Vũ viết: “Cánh cửa ngày mới đã mở/Phú Đa như trái tim của một vùng biển trời tươi đẹp/Chuyền sức sống cho những vùng đầm phá mênh mông” (Phú Vang ngày mới). Nhiều ca khúc đã thể hiện cảm hứng cuộc sống như bình minh sôi động ở Phú Vang, như “Vinh Thanh ngày mới” của nhạc sĩ Quốc Anh.
Nhiều ca khúc vang lên giai điệu thiết tha, tình cảm về quê hương Phú Vang như “Nghe trong hơi thở cát bao mầm sống sinh sôi, bao dấu chân trên cát làm nên quê hương mình” (Dấu cát quê tôi, nhạc Việt Đức); “Bên ni dòng Thiệu Hóa bên tê dòng Đại Giang, cầu Trường Hà bắc qua phá Tam Giang hiền hòa. Phú Gia, vang mãi khúc ca (Phú Gia ngày mới, nhạc Mai Ánh); “Mênh mang đầm phá Tam Giang/sóng nước chiều cứ níu chân ai” (Chiều Phú Vang, nhạc Trần Tôn); “Một dải lụa xanh ôm biển và bờ/Hương sen đầm sâu nỗi nhớ/… nước trong xanh màu cổ tích…” (Đi trong chiều Vinh Thanh, nhạc Vĩnh Phúc)…
Cảnh đẹp quê hương hiện lên qua các ống kính thật giàu cảm xúc. Ống kính của Nguyễn Hữu Đính thể hiện khá đa dạng cuộc sống. Đó là một bình minh đầm Chuồn ghe thuyền còn ngủ im trên sóng nước, hay hình ảnh những trộ sáo rực vàng lên trong ánh sáng ban mai gợi cảm giác về không gian trong ngần của cuộc sống bình yên, tươi đẹp. Đó là cảnh gỡ lưới trên biển trong ánh nắng vàng ươm cuối chiều với gương mặt người rạng rỡ... Ống kính của Nguyễn Đăng Hạnh khắc họa dáng thuyền trong rạng ngày bên bãi biển. Những dáng đen chuyển động cho một cuộc vượt sóng ra khơi trong ngày thật mạnh mẽ, đầy hy vọng (Biển gọi). Và cũng trong bình minh, lễ hội làng Chuồn hiện lên trên đường làng thật sinh động, rực rỡ… Ống kính của Đặng Việt Hùng đi sâu vào thể hiện cuộc sống muôn màu ở Phú Vang: bãi tắm Vinh Thanh, bám biển, mùa gặt, gỡ lưới, đàn vịt trong ao, nuôi cá lồng…
Hình ảnh người ngư dân ra khơi được nhiều văn nghệ sĩ chú ý khắc họa. Nhà thơ Nguyên Quân đã có những câu thơ hay về những ngư dân bám biển đêm ngày: “Thèm lắm những con thuyền tách bến ra khơi/Chờ nghe chất giọng những người ăn sóng nói gió/Thèm tấm lưng trần chắc bắp cuộn tròn gian khó/Khắc chạm vết chàm cổ sử ngàn năm” (Trên bãi biển Vinh Thanh). Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Đính, Nguyễn Đăng Hạnh, Đặng Việt Hùng đã chụp hàng trăm bức ảnh biển. Riêng Nguyễn Hữu Đính đã có một bộ ảnh mô tả những con thuyền từ khi chuẩn bị cho thuyền ra khơi, đưa thuyền ra khơi, vượt sóng trùng trùng và trở về mang theo nhiều tôm cá…
Tất cả hiện lên một vùng đất Phú Vang trù phú, nhiều tiềm năng phát triển và những con người miền quê bên chân sóng yêu biển, yêu đời, cần cù lao động dựng xây quê hương…