Tìm kiếm tin tức

 

PHÚ VANG - QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC, CON NGƯỜI
Ngày cập nhật 20/07/2022

Phú Vang là huyện có tên trong bản đồ nước ta vào loại sớm, theo các thư tịch cổ, vùng đất Thừa Thiên Huế nói chung, huyện Phú Vang nói riêng là vùng đất có từ lâu đời thuộc Bộ Việt Thường, là một trong 15 Bộ của nước Văn Lang - Âu Lạc (vùng đất từ Đèo Ngang cho đến Quảng Ngãi ngày nay).

Từ năm 111 trước Công nguyên (B.C), sau khi bị nhà Hán xâm lược, vùng đất này đổi tên thành Quận Nhật Nam. Năm 192, Khu Liên lãnh đạo nhân dân Chăm Pa nổi dậy đánh đuổi quân Hán khỏi Nhật Nam, lập nên nước Lâm Ấp (còn gọi là Chăm Pa, Chiêm Thành) gồm có 5 châu: Địa Lý, Mê Linh, Bố Chính, Ô và Lý (Rí).

Năm 1306, vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân và nhận hai châu Ô và Châu Lý làm lễ nạp trưng. Năm 1307, Vua Trần Anh Tông cho đổi tên Châu Ô, Lý (Rí) thành Châu Thuận, Châu Hóa. Vùng đất Phú Vang thuộc Châu Hóa. Năm 1404, cuối đời Trần, lập phủ Thuận Hóa gồm cả Thuận Châu và Hóa Châu.

Năm 1469, vùng Thuận Hóa có hai phủ: Triệu Phong và Tân Bình. Phủ Triệu Phong gồm 6 huyện và 2 châu, trong đó có 3 huyện Kim Trà, Đan Điền, Tư Vang sau thành địa bàn tỉnh Thừa Thiên.

Năm 1558, Nguyễn Hoàng được cử vào cai quản Thuận Hóa. Bấy giờ ông đổi tên 3 huyện Kim Trà, Đan Điền thành Quảng Điền, Tư Vang thành Phú Vang - Địa danh Phú Vang chính thức có từ đây.

Năm 1802, Vua Gia Long lên ngôi, xứ Thuận Hóa được chia thành 3 dinh (tương đương cấp tỉnh ngày nay), gồm: Quảng Đức, Quảng Trị và Quảng Bình.

Năm 1822, Vua Minh Mạng đổi dinh Quảng Đức thành phủ Thừa Thiên.

Năm 1834, vua Minh Mạng đặt thêm 3 huyện Hương Thủy, Phong Điền, Phú Lộc trích từ địa phận 3 huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang. Sáu huyện của tỉnh Thừa Thiên tồn tại đến năm 1945.

Dưới thời Pháp thuộc, Phú Vang có 6 tổng, 100 làng và 7.928 đinh; 6 tổng, đó là:

Tổng Ngọc Anh có 16 làng với 1.244 đinh.

Tổng Dương Nỗ có 12 làng với 1.204 đinh.

Tổng Mậu Tài có 17 làng với 1.275 đinh.

Tổng Kế Mỹ có 18 làng với 1.296 đinh.

Tổng Sư Lỗ có 24 làng với 1.747 đinh.

Tổng Quảng Xuyên có 13 làng với 1.162 đinh.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền Cách mạng xóa bỏ cấp tổng, thành lập cấp xã. Huyện Phú Vang lập thành 21 xã, cụ thể là:

Tổng Ngọc Anh chia thành 3 xã Phú Nhuận, Phú Đức và Phú Mỹ; nay là địa bàn các xã Phú Thượng, Phú Mỹ, Phú An.

Tổng Dương Nổ chia thành 3 xã Phú Nhơn, Phú Lễ và Phú Nghĩa; nay là các xã Phú Dương, Phú Tân (cũ) nay là thị trấn Thuận An.

Tổng Mậu Tài chia thành 2 xã Phú Diễu và Phú Bình; nay là các xã Phú Mậu, Phú Thanh.

Tổng Kế Mỹ chia thành 3 xã Phú Hảo, Phú Hòa và Phú Hương; nay là các xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh Thanh, Vinh An (xã Phú Hải được tách ra từ xã Phú Thuận năm 1989).

Tổng Sư Lỗ chia thành 7 xã Phú Khương, Phú Ninh, Phú Lạc, Phú Thứ, Phú Thuận, Phú Cường và Phú Nhiêu; nay là các xã Phú Đa, Vinh Thái, Vinh Phú, Vinh Hà.

Tổng Quảng Xuyên chia thành 3 xã Phú Thịnh, Phú Vĩnh và Phú Hậu; nay là các xã Phú Hồ, Phú Lương, Phú Xuân.

Trong kháng chiến chống Pháp, vào đầu năm 1949, ta lập các xã có phạm vi rộng để huy động nhân tài vật lực cho kháng chiến. Toàn huyện Phú Vang được tổ chức lại thành 10 xã:

Phú Thiện (Phú Nhuận, Phú Đức và Phú Mỹ cũ).

Phú Ân (Phú Nhơn, Phú Lễ và Phú Nghĩa cũ).

Phú Tài (Phú Diễu và Phú Bình cũ).

Phú Hải (Phú Hảo và một phần của Phú Hòa cũ).

Phú Ngạn (Phú Hương và một phần của Phú Hòa cũ).

Phú Thái (Phú Khương, Phú Ninh, Phú Lạc và thôn Vĩnh Lưu của Phú Thuận cũ).

Phú Thạnh (Phú Thứ và hai thôn Hòa Đa Đông, Hòa Đa Tây của Phú Thuận cũ).

Phú Hưng (Phú Thịnh và Phú Vĩnh cũ).

Phú Gia (Phú Cường và 3 thôn Triêm Ân, Trường Hà, Mộc Trụ của Phú Hậu cũ).

Phú Phong (Phú Nhiêu và 3 thôn Nghĩa Lập, Điền Trung, Hà Bắc của Phú Hậu cũ).

Sau năm 1954, ngụy quyền Sài Gòn chia nhỏ đơn vị hành chính huyện, xã. Trên địa bàn Phú Vang, lần thứ nhất chia thành 2 quận hành chính (năm 1956).

Quận Phú Vang có 15 xã: Phú Lưu, Phú Hương, Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Tân, Phú Thuận, Phú Diên, Phú An, Phú Mỹ, Phú Lương, Phú Xuân, Phú Hồ và Phú Đa.

Quận Vinh Lộc có 11 xã, trong đó của khu 3 Phú Lộc 5 xã và của Phú Vang 6 xã Vinh An, Vinh Thanh, Vinh Xuân, Vinh Hà, Vinh Thái, Vinh Phú.

Lần thứ hai chia thành 3 quận hành chính (năm 1958)[3]:

Quận Phú Vang có 11 xã: Phú Lưu, Phú Hương, Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Tân, Phú Thuận, Phú Diên, Phú An và Phú Mỹ với 68.251 dân.

Quận Vinh Lộc có 8 xã, trong đó có 3 xã của Phú Vang là Vinh An, Vinh Thanh và Vinh Xuân với hơn 43.360 dân, riêng của Phú Vang 13.104 dân.

Quận Phú Thứ có 7 xã: Vinh Hà, Vinh Thái, Vinh Phú (tách ra từ quận Vinh Lộc), Phú Lương, Phú Xuân, Phú Hồ, Phú Đa (tách ra từ quận Phú Vang) với 25.937 dân.

Tháng 5/1967, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1968, Khu ủy Trị Thiên Huế sáp nhập 3 huyện Phú Vang, Hương Thủy, Hương Trà vào mặt trận Huế do Thành ủy Huế chỉ đạo (Đoàn 5).

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chính quyền Cách mạng được thành lập, địa bàn hành chính huyện Phú Vang trở về sau Cách mạng tháng Tám như trước năm 1955 gồm 21 xã. Đến năm 1976, huyện còn 19 xã do 2 xã Phú Hương và Phú Lưu chuyển giao cho thành phố Huế.

Năm 1977, hợp nhất Phú Vang, Hương Thủy thành huyện Hương Phú. Năm 1990, tách huyện, Phú Vang trở lại địa giới hành chính cũ.

Hiện nay, Phú Vang gồm có 18 xã và 02 thị trấn, đó là thị trấn Thuận An, thị trấn Phú Đa và các xã Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Thượng, Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh Thanh, Vinh An, Phú Mỹ, Phú An, Phú Hồ, Phú Xuân, Phú Lương, Vinh Thái, Vinh Hà, Vinh Phú.

Phú Vang là huyện đồng bằng ven biển, tiếp giáp thành phố Huế, cách thành phố Huế 20 km, có tọa độ địa lý 107034’20” - 107050’50” độ kinh Đông và 16020’13” - 16034”30” độ vĩ Bắc; phía Tây giáp thị xã Hương Thủy và thành phố Huế, phía bắc giáp thị xã Hương Trà, phía Nam giáp huyện Phú Lộc, phía Đông giáp biển Đông.

Khí hậu Phú Vang nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, có hai mùa mưa, nắng rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 8 năm trước đến tháng 3 năm sau, mùa mưa thường trùng với bão, lũ từ tháng 9 đến tháng 11 và gió mùa Đông Bắc lạnh rét  từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau. Lượng mưa hàng năm khá lớn (vào khoảng gần 3.000mm). Mùa nắng, gió mùa Tây - Nam khô nóng, oi bức bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 8.

Thiên nhiên khắc nghiệt ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Tuy vậy, qua nhiều thế hệ, nhân dân Phú Vang đã tạo dựng được hệ thống thủy nông gồm các sông đào, như: sông Như Ý, sông Phổ Lợi, hệ thống hói Mộc Hàn, hệ thống đê, đập của các địa phương để chống úng, chống hạn ngày càng hoàn chỉnh, khắc phục hậu quả khó khăn của thiên nhiên.

Là một huyện đồng bằng ven biển, Phú Vang có tiềm năng lớn từ biển, sông ngòi và đầm phá.

Bờ biển dài hơn 30km đem lại nguồn lợi to lớn về kinh tế, nhất là đánh bắt, khai thác hải sản. Cảng Thuận An, nơi trước đây đã từng chứng kiến bao nỗi thăng trầm của lịch sử đang được khai thác và sử dụng có hiệu quả, trong đó có Cảng cá Thuận An.

Bãi tắm Thuận An là nơi nghỉ mát lý tưởng cho đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

Hệ thống sông ngòi phủ khắp địa bàn của huyện, bắt nguồn từ sông Hương chảy qua các sông An Cựu, Lợi Nông, Như Ý, Đại Giang; qua các xã Phú Mỹ, Phú Hồ, Phú Đa, Vinh Thái, Vinh Hà soi bóng những lũy tre xanh, những mái chùa cổ kính trước khi xuôi về đầm Cầu Hai; nhánh chính của sông Hương chảy qua thành phố Huế xuôi về Vỹ Dạ, Cồn Hến, Phú Thượng, Phú Mậu, Phú Thanh qua ngã ba Sình hợp lưu với sông Bồ, chảy ra cửa biển Thuận An và hòa vào mênh mông của biển cả.

Ngoài hệ thống sông ngòi, Phú Vang có nhiều đầm, phá nước lợ với diện tích gần 7.000 ha. Các đầm Hà Trung, Thủy Tú, Sam, Chuồn và một phần phía bắc đầm Cầu Hai,... nối liền nhau hình thành phá Tam Giang rộng lớn. Đây là nơi chứa đựng nhiều nguồn lợi thủy sản như: tôm, cua, cá, rong câu v.v... đóng góp một phần quan trọng vào quá trình phát triển nền kinh tế huyện nhà, nhất là trên lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản; là nguồn sống của một bộ phận  lớn nhân dân ven đầm phá.

Trải qua biết bao biến thiên của lịch sử, đặc biệt từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ phương Nam, ông cha ta đã vào khai khẩn mạnh mẽ vùng đất này để mở mang bờ cõi. Theo gia phả của các tộc, họ ở các xã trong huyện, nguồn gốc của các ngài khai canh, khai khẩn phần lớn đều ở xứ Thanh - Nghệ - Tĩnh. Có một số thôn ở các xã vùng biển như Diên Lộc (Phú Diên), An Bằng (Vinh An) gia phả ghi rằng: Thủy tổ của họ đã theo quân tướng của chúa Nguyễn Hoàng đi vào bằng đường biển (cũng như ở xã Điền Hải của huyện Phong Điền, xã Quảng Công của huyện Quảng Điền). Sách cũ có chép “Thế kỷ thứ XVI, vùng Thuận Hóa - Quảng Nam nhìn chung còn lạc hậu, đất hoang còn nhiều, xóm làng còn thưa thớt, từ lâu người nông dân bị bần cùng hóa ở phía Bắc đã di cư vào đây để khai phá làm ăn, những người di cư này đã góp phần quan trọng trong việc khai phá đất hoang lập nên làng mới” [4].

 Đến thế kỷ XVIII, vùng đất Thuận Hóa nói chung, trong đó có huyện Phú Vang được sách sử ghi lại “non sông hùng vĩ, ruộng đồng màu mỡ, cư dân trù mật, là nơi hội tụ của một phương. Ở đây sinh hoạt nhộn nhịp, của cải dồi dào, còn đâu hơn được” [5].

Đối mặt với thiên nhiên nhiều lúc rất khắc nghiệt, người dân Phú Vang không ngừng đấu tranh, vươn lên để sinh tồn và phát triển. Ngoài các nghề chính là trồng lúa, đánh cá, người dân ở đây còn có các nghề truyền thống khác: mộc, rèn, đan cót, chằm tơi, chằm nón, thêu, nuôi tằm, dệt lụa,... Có những nghề theo thời gian vẫn tồn tại, như nghề thêu, nghề chằm nón có tiếng ở Phú Mỹ:

Ai về Phú Mỹ mà xem

Có sông Như Ý, có em đợi chờ

Nước sông nó chảy lững lờ

Có em chằm nón bài thơ tuyệt vời.

Có những nghề nổi tiếng từ xa xưa như rượu làng Chuồn (Phú An), rượu Hà Thanh (Vinh Thanh), nước mắm làng Trài (Cự Lại - Phú Hải), hoa giấy Thanh Tiên, tranh giấy dân gian làng Sình (Phú Mậu) và hiện nay đã phát triển thêm nhiều nghề mới như mộc mỹ nghệ (Phú Thượng, Phú Dương), trồng hoa (Phú Mậu), nấm rơm (Phú Lương). Nhiều ngành nghề đã xây dựng được thương hiệu đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế của huyện nhà.

Trên mảnh đất nghèo khó này, người dân Phú Vang từ thế hệ này đến thế hệ khác đã xây dựng, tôn tạo cho quê hương một truyền thống văn hóa tốt đẹp, phong phú. Người dân Phú Vang có tinh thần yêu nước nồng nàn, không chịu khuất phục trước giặc ngoại xâm, sống cần cù, chịu khó, chân thật, tình nghĩa, thủy chung trong gia đình, đùm bọc, yêu thương trong tình làng nghĩa xóm, giàu lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Văn học dân gian với hàng trăm câu hò, lời hát đậm nét Phú Vang như:

Ba đồng một khúc cá buôi

Cũng mua cho được mà nuôi mẹ già

Hoặc:

Bến Chương Dương ông Trần Quang đoạt sào

Bến Bạch Đằng ông Hưng Đạo trừ Mông

Việt Nam ta con cháu Tiên Rồng

Đừng theo quân cướp nước mà đau lòng tổ tiên

Nhiều hoạt động văn hóa lành mạnh, bổ ích, như vật võ, cầu ngư, hò giã gạo, đua thuyền,... có những hoạt động văn hóa đã trở thành ngày hội hàng năm của quần chúng như lễ hội cầu ngư Thuận An, Vinh An, hội vật võ làng Sình (Phú Mậu), lễ hội thu tế của các làng đã nảy sinh từ truyền thống tốt đẹp đó nhằm động viên tinh thần lao động sản xuất, chống thiên tai, địch họa.

Phú Vang có di tích lịch sử quý báu ở làng Dương Nỗ. Vào những năm 1898 - 1900, Bác Hồ mới lên 8-10 tuổi đã sống với cha đang dạy học ở đây và bắt đầu học chữ Hán, mở đầu cuộc đời học vấn của mình. Ngôi nhà của Bác Hồ ở làng Dương Nỗ cùng với di tích đình làng Dương Nỗ, Bến Đá - Am Bà đã được tôn tạo, giữ gìn và đã xây dựng thêm mới Nhà lưu niệm. Trên địa bàn huyện còn có nhiều di tích đã được công nhận và xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh như: Đình làng Dương Nỗ (Phú Dương), Đình làng An Truyền (Phú An), Đình làng Lại Thế và họ Nguyễn Khoa (Phú Thượng), Đình làng Quy Lai (Phú Thanh), Đình làng Lại Ân (Phú Mậu), Tháp Chăm (Phú Diên), Trấn Hải Thành (Thuận An),… Các di tích lịch sử cách mạng như: Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diễu (Phú Mậu), di tích chiến thắng Thanh Lam Bồ (Vinh Thái), di tích Đình làng Tây Hồ (Phú Hồ),… Nhiều tên đất, tên làng đã đi vào thi ca nói lên truyền thống cách mạng của nhân dân như:

Không đi thì sợ Tây nghi

Đi thì lại sợ Đồng Di - Tây Hồ

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có hàng chục ngôi chùa, nhà thờ, hàng trăm ngôi đền thờ các vị thần hoàng, các ngài khai canh, khai khẩn, nhà từ đường của các họ tộc phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Chính truyền thống văn hóa tinh thần tốt đẹp được hun đúc từ thế hệ này sang thế hệ khác là nhân tố cực kỳ quan trọng để nhân dân Phú Vang đứng lên đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài.

30 năm kháng chiến chống xâm lược, Phú Vang không có thế dựa vào vùng rừng núi, địa hình bị chia cắt. Địch liên tục càn quét, đánh phá từ Thành phố về, từ biển lên, từ địa bàn Phú Lộc, Hương Thủy, Hương Trà tới và cả hệ thống lực lượng địch trong huyện. Nhân dân Phú Vang, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã vùng lên chiến đấu chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, xây dựng căn cứ địa kháng chiến ngay giữa đồng bằng, vùng sâu; chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, kiên cường đánh giặc, xây đắp nên huyện Phú Vang anh hùng.

47 năm sau ngày quê hương giải phóng, Phú Vang là một trong những huyện đông dân còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đặc biệt là những năm đầu mới giải phóng và cả trong giai đoạn đầu đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội; song Đảng bộ và nhân dân Phú Vang đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện công cuộc đổi mới, huy động mọi tiềm năng, trí tuệ, tình cảm, trách nhiệm phấn đấu thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; để thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thực hiện mong ước thiêng liêng của Bác Hồ:

“Còn non, còn nước, còn người

Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.”

 

 


 

Tập tin đính kèm:
Tin mới
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập trong tuần 1.224
Truy cập trong tháng 18.069
Truy cập trong năm 490.493
Truy cập tổng 862.226
Truy cập hiện tại 30